Trung Ðạo là con đường trung dung, con đường quân bình. Ðức Phật khuyên chúng ta không nên theo đuổi cuộc sống đam mê khoái lạc hay buông lung tìm sự thỏa mãn các giác quan. Mặt khác, chúng ta nên tránh đời sống tu hành ép xác vô ích và khổ hạnh không cần thiết. Tứ Diệu Ðế đã tạo nên nền tảng căn bản cho đời sống Phật tử, do đó, chúng ta cần nghiên cứu giáo pháp này thấu đáo và đừng để bị lừa dối bởi sự đơn giản bề ngoài của nó. Trong khi nghiên cứu Phật Giáo, nếu chỉ nhìn thoáng qua, hoặc ngay cả học thuộc lòng các từ ngữ đều vô ích, trừ khi chúng ta hiểu rõ ràng (giáo lý đức Phật). Một đứa trẻ có thể học thuộc trong mười phút bài pháp Tứ Ðế, nhưng phải mất hàng nghìn kiếp chúng ta mới chứng ngộ được giáo pháp này.
NỀN TẢNG CỦA MỘT ÐỜI SỐNG CHÂN CHÍNH
Trong bài pháp đầu tiên đức Phật thuyết sau khi chứng đạo, Ngài giảng về Trung Ðạo, Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo. Những giáo lý này được xem như viên đá làm nền tảng cho toàn bộ giáo pháp của đức Phật (Dhamma). Mọi điều tìm thấy trong tất cả kinh điển Phật Giáo, thực vậy, chỉ là sự khai triển của bài pháp Tứ Diệu Ðế.
Trung Ðạo là con đường trung dung, con đường quân bình. Ðức Phật khuyên chúng ta không nên theo đuổi cuộc sống đam mê khoái lạc hay buông lung tìm sự thỏa mãn các giác quan. Mặt khác, chúng ta nên tránh đời sống tu hành ép xác vô ích và khổ hạnh không cần thiết. Tứ Diệu Ðế đã tạo nên nền tảng căn bản cho đời sống Phật tử, do đó, chúng ta cần nghiên cứu giáo pháp này thấu đáo và đừng để bị lừa dối bởi sự đơn giản bề ngoài của nó. Trong khi nghiên cứu Phật Giáo, nếu chỉ nhìn thoáng qua, hoặc ngay cả học thuộc lòng các từ ngữ đều vô ích, trừ khi chúng ta hiểu rõ ràng (giáo lý đức Phật). Một đứa trẻ có thể học thuộc trong mười phút bài pháp Tứ Ðế, nhưng phải mất hàng nghìn kiếp chúng ta mới chứng ngộ được giáo pháp này. Chính đức Phật đã nhấn mạnh tầm mức quan trọng của sự hiểu biết chân chính khi Ngài dạy:
“Bởi do không thấu triệt, không thâm nhập pháp Tứ Ðế mà Như Lai, chư đệ tử, và mọi chúng sanh đã lâu đời lặn hụp trong bể luân hồi sanh tử. Tứ Diệu Ðế là gì? Ðó là:Chân lý về sự khổ.Chân lý về nguồn gốc của sự khổ.Chân lý về diệt trừ sự khổ.Chân lý về con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ”.
Chúng ta hiểu chân lý này khi chúng ta nhận thức được rằng phiền não và khổ đau là những đặc tánh căn bản của cuộc sống. Tất cả chúng sinh (người và thú vật) đều không tránh khỏi mối đe dọa luôn luôn hiện hữu của phiền não và khổ đau. Không có điều kiện nào bảo đảm được hạnh phúc, hòa bình và an ổn. Bất cứ giờ phút và lúc nào, chúng ta đều có thể là nạn nhân (của khổ đau).
Sự khổ gồm có những gì? Sự sanh, chết, già, đói, khát, nóng, lạnh, thân thể hoạt động không bình thường, bệnh tật, ốm đau và tai nạn. Tất cả những điều này là khổ. Sống xa người mình yêu thương, hoặc phải sống gần người khó tánh, không làm mình vừa ý; sự lo âu, phiền muộn tinh thần, sự khổ não, đau buồn, tang thương và tuyệt vọng; cầu mong điều mình muốn mà không được; sống trong hoàn cảnh không thoải mái và thích hợp, hoặc phải làm công việc không vừa ý; nghe những tiếng ồn bực mình hoặc những âm thanh chói tai; kém sức khỏe về thể xác và tinh thần nơi chúng ta hoặc người chúng ta yêu thương; sự đau khổ gây nên do người chúng ta gần gũi. Khi quán sát sự khổ, chúng ta cần có cái nhìn xa chính xác. Sự khổ đau đã gắn liền với chúng ta trong quá khứ, bao vây chúng ta trong hiện tại, và sẽ theo đuổi chúng ta trong tương lai – trừ khi chúng ta tu hành từng bước để đoạn diệt chúng.
Ở đây chúng ta tìm hiểu về những dục vọng và cảm xúc như là nguyên nhân gây nên mọi sự khổ trong đời này hoặc kiếp sau. Chúng bao gồm tánh tham, sự bám chặt hoặc say đắm vào con người, những ý niệm, hay đối tượng; sự không thành đạt hay thỏa mãn được những dục vọng của chúng ta; sự bất hạnh và phiền não gây ra từ con người, những ý niệm hay đối tượng, sự sớm hay trễ hơn. Sự bon chen, tham vọng, tánh tự tôn, kiêu mạn, khoe khoang, lừa dối, tham lam; niềm tin cho rằng bản ngã hoặc cá nhân là linh hồn hay thực thể thường còn.
Sự thất bại trong việc học hỏi kinh nghiệm quá khứ của mình; quên đi những thảm kịch của cuộc đời bằng cách đánh mất chúng trong sự bao vây của những thú vui giả tạo; thiếu tự chủ, nếp sống vô độ, sự giận dữ, ác tâm, thù hận và cáu kỉnh; những tật xấu, tình dục quá mức và sự tin cậy ở người khác. Trong quá khứ và hiện tại, tất cả những điều trên đây, và còn nhiều nữa, là nguyên nhân của sự khổ.
Bước đầu thành tựu của sự hiểu biết là khi chúng ta nhận thức được rằng sự khổ đau có thể chấm dứt. Con đường đạo của đức Phật nhằm dẫn đến chính mục đích này. Sự khổ đau tuy nhiều, nhưng vẫn có thuốc chữa trị. Một khi tâm đã giác ngộ sự hiện hữu và nguyên nhân (của khổ đau), tức là chúng ta đang đi trên con đường dẫn đến sự đoạn diệt chúng. Bao xa chúng ta chuẩn bị đi theo con đường Ðạo, tùy thuộc hoàn toàn ở chúng ta. Mọi nguyên nhân chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta quyết định tự mình khắc kỷ và tu tập. Sự nhận thức rằng cần phải làm như vậy là bước đầu tiên.
Không một tôn giáo hay triết học nào trình bày một cách rõ ràng Con Ðường Ðạo Ðức dẫn đến sự giải thoát như thế. Giáo lý ấy là Bát Chánh Ðạo, vì nó là một con đường, nhưng được phân chia thành tám phần. Ðó là giới luật Phật Giáo của sự tu luyện tâm linh và thể xác, hướng đến sự chấm dứt những khổ đau, phiền não và tuyệt vọng, cùng đạt tới sự An Lạc Hoàn Toàn, Niết Bàn (Nibbana).
“Ðây là Trung Ðạo mà đức Phật đã tìm ra, giúp chúng ta, thấy và biết, để dẫn đến sự an lạc, sáng suốt, giác ngộ và Niết Bàn”.
Ðối với tám phần của Bát Chánh Ðạo, chúng ta không nhất định phải tu theo thứ tự của chúng; và sự hoàn thành của một phần không đòi hỏi phải thực hiện trước khi phần khác bắt đầu. Chúng được xem như một khối toàn bộ, cần đến sự tinh tấn (thực hành) trong tất cả các phần. Chúng ta thực hành và phát triển, vì khi chúng ta có thể tu tập và tiến bộ trong bất cứ phần nào, sẽ dẫn đến kết quả ở các phần khác. Trong ý nghĩa rốt ráo của nó, Bát Chánh Ðạo đưa tới việc tu sửa nơi tâm niệm, vì chỉ khi nào nhiếp được cái tâm của mình, thì chúng ta mới đoạn diệt được lòng tham, sân và si.
Chánh Kiến là sự hiểu biết đầy đủ, hoàn toàn về phép Tứ Ðế và Vô Thường (Anicca); Vô Ngã (Anatta: mọi vật không có Ngã hay cái tôi vĩnh cửu); Sự Khổ (Dukkha); Nghiệp Báo (Kamma) và Luân Hồi; sự hiểu biết về hành động thiện hoặc ác; Thập Sử (Ten Fetters) và Luật Nhân Qủa (Causal Law) và sự tương quan giữa chúng với nhau.
Chánh Tư Duy là những ý tưởng không còn lòng tham, ham muốn và dục vọng; không còn sân hận hay ác ý; không có tâm độc ác, tàn nhẫn và hận thù. Phân tích cho đến cùng, chính do ý tưởng đã thúc đẩy hành động của chúng ta, và nếu ý nghĩ được khuyến khích theo chiều hướng tốt, những việc làm và hành động của chúng ta sẽ tự nhiên đáp ứng theo. Ý tưởng là tác động của tâm thức, và có thể tạo nên nghiệp lực xấu, cùng những hành động của thân.
Chánh Ngữ là sự kiểm soát khẩu nghiệp bằng ý nghĩ chân chính; tự kiềm chế mình không nói dối, lừa đảo; không nói lời thô bỉ hay châm chích (đâm thọc) và vu khống. Trên phương diện tích cực, có nghĩa là nên dùng lời nói dịu dàng,
đầy cảm mến đối với mọi người; hay tỏ ra khiêm nhường khi nhắc đến mình và kiềm chế tánh tự đề cao.
Chánh Nghiệp là không hành động gây tổn hại đến sinh mạng của bất cứ chúng sinh nào; không tham dự vào những liên hệ tình dục bất chính; không trộm cắp tài sản của người khác. Nói đầy đủ, có nghĩa là nên làm những điều không gây đau khổ cho bản thân và kẻ khác.
Chánh Mạng là tránh không làm những nghề nghiệp, thú tiêu khiển, hay thương mại có thể tạo nên và dẫn đến sự khổ đau cho những chúng sinh khác. Nó bao gồm cả những điều mà chánh nghiệp không cho phép hành động. Một đệ tử của Phật không nên tìm sinh kế bằng sự lừa đảo, thủ đoạn gian trá, hay cho vay cắt cổ. Người Phật tử nên tránh hành nghề buôn bán vũ khí, những khí cụ giết người; không nên bán thức uống làm say, ma túy và thịt của chúng sanh. Nguyên tắc đạo đức của chúng ta là hành động vì hạnh phúc và phúc lợi, chứ không phải gây khổ đau cho nhân loại.
Chánh Tinh Tấn là chúng ta nỗ lực tạo nên cuộc sống đạo đức, và không lầm lỗi. Nó gồm có bốn điều sau đây:
Tinh tấn tránh điều ác chưa làm. Tinh tấn khắc phục điều ác đã làm. Tinh tấn phát triển điều thiện đã làm Tinh tấn duy trì điều thiện đã làm.
Chánh Niệm là thường xuyên cảnh giác đối với ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Chúng ta rất dễ hành động sai quấy, khi chúng ta sơ ý và không cẩn trọng. Chúng ta cần luyện tập sự cảnh giác tâm mình bằng cách kiểm soát đức hạnh của chúng ta, nhằm xây dựng sự hòa hợp, an vui. Bước đầu của sự phát triển về chánh niệm đòi hỏi sự thận trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Nó giúp chúng ta có nhiều thì giờ để suy xét về việc phải hay trái của điều chúng ta sắp nói hay làm. Trong một thời gian ngắn, tâm chúng ta được tu luyện, hướng đến sự suy nghĩ và nói năng hay hành động chân chính sẽ trở thành tự nhiên.
Chánh Ðịnh (hay Thiền Ðịnh). Trong những viên ngọc quý của giáo lý đức Phật, đây là một trong những pháp môn sáng chói, rực rỡ nhất. Thiền định là điều hoàn toàn mới lạ đối với người Tây Phương, nhưng thiền được người ta biết đến hàng nghìn năm qua ở Ðông Phương. Tuy nhiên, đã có nhiều người khám phá được giá trị và nguồn hạnh phúc của sự an lạc thần diệu, do thiền định mang lại. Nó là pháp môn tối thắng để đạt tới nội tâm an tinh, mà những người sáng suốt đang tầm cầu để thay thế cho thực tại hỗn loạn trong cuộc sống hiện nay. Thiền định không những chỉ là bí quyết để rèn luyện tinh thần, mà còn là phương pháp nhờ đó chúng ta điều phục được cái tâm của mình. Nó mở ra cánh cửa hướng đến minh sát tuệ (insight) và giác ngộ về Bốn Thánh Ðế, lý Vô Thường (Anicca), Sự Khổ (Dukkha), Vô Ngã (Anatta), cùng dẫn tới sự nhân chân Thực Tại và Chân Lý.
Sự tập trung (tư tưởng) và thiền định có nghĩa giống nhau trong triết học Phật Giáo. Thiền định không phải như một số người đã tưởng, là ngồi yên lặng và để tâm trí đi lang thang, với hy vọng rằng mình sẽ đạt được một vài điều cao siêu hay sự sáng suốt còn ẩn giấu. Thiền của Phật Giáo hoàn toàn khác hẳn. Sau khi ngồi yên tĩnh và thoải mái trong một thời gian, chúng ta cố gắng phát triển giúp cho “tâm an trụ”. Nghĩa là chúng ta hướng ý tưởng của mình chỉ tập trung vào một đề mục, không để cho nó suy nghĩ điều này, điều nọ, giống như con khỉ nhảy từ cây này qua cây kia. Tiếc rằng đề tài quá rộng để có thể giải thích ở đây, hy vọng chúng tôi sẽ trình bày nó đầy đủ hơn trong lần xuất bản sau.
Mục đích của phần lớn tôn giáo là mơ hồ, mập mờ, không lôi cuốn được sự chú ý của con người hiện đại. Cõi Trời và Ðịa Ngục, Thiên Ðàng và sự Chuộc Tội, là những sản phẩm thời cổ ban sơ của loài người, và chúng nhằm đáp ứng sự giải đáp các điều huyền bí mà không thể cắt nghĩa được. Những quan niệm đó không có trong triết học Phật Giáo. Những phát minh khoa học và kiến thức tiến bộ đang phá đổ các niềm tin cổ thời này. Trong khi những điều trên và ý tưởng khác sụp đổ trước sự tấn công mãnh liệt của khoa học, chúng ta kinh ngạc nhận thấy rằng Phật Giáo (Dhamma), mặc dù với nguồn gốc cổ xưa của nó, hiện vẫn đang còn tồn tại.
Chúng ta ngày càng hiểu biết rằng những điều khoa học phát minh hàng chục năm qua, đều đã được đức Phật thuyết giảng hơn hai mươi lăm thế kỷ trước đây. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không làm ngạc nhiên những ai thấu rõ được lý thậm thâm vi diệu của sự Giác Ngộ; hay hiểu biết rằng khi đức Phật chứng đắc Bồ Ðề, Ngài đã có huệ minh thấy rõ bản chất của sự sống, và điều ấy thích hợp tự nhiên với kiến thức mà khoa học đã chứng minh.
Ðức Phật, bằng lời nói giản dị đã dạy rằng, nếu chúng ta thọ trì đầy đủ các điều răn của luật giới, chúng ta có thể vượt thoát khỏi sự luân hồi khủng khiếp triền miên. Nền giáo lý này là Bát Chánh Ðạo, dẫn đến sự chấm dứt lòng tham, sân và si. Ðây là cứu cánh, và chúng ta gọi là Niết Bàn (Nibbana). Ðó không phải là nơi con người đến sau khi họ chết, hay cảnh giới của những hương linh quá cố. Nó là trạng thái của cái tâm thanh tịnh tuyệt đối, mà chúng ta có thể thành tựu trong đời này; không còn lại nguyên nhân gì, có thể sẽ gây ra để dẫn đến một sự tái sinh mới.
Phần đông chúng ta đã trải qua vô số kiếp luân hồi, mới đạt tới được trình độ như ngày nay. Và phải cần đến bao nhiêu kiếp nữa để chứng đắc hoàn toàn quả vị Niết Bàn, tùy thuộc vào những nỗ lực (tinh tấn) mà chúng ta đã chuẩn bị thực hành trong hiện tại.
Ðức Thế Tôn không bao giờ dạy Phật Ðạo là con đường dễ dàng. Muốn thành đạt mục đích, nó đòi hỏi cả sự hiểu biết và quyết tâm; nhưng bảo rằng đó là điều khó khăn không có nghĩa là một thiện nam, hay tín nữ sáng suốt không thể thực hành theo được.
Ðạo Phật hay phương pháp sống theo Phật Giáo, được diễn tả như điều hướng dẫn tốt đẹp, tạo ra do sự phát triển, tu sửa (thân tâm), và dẫn đến sự An Lạc Hoàn Toàn. Ðức Phật đã thực hiện một cuộc phân tích tuyệt đỉnh về những điều ác và phiền não của nhân loại. Ngài dạy, tất cả đều do lòng Tham, Sân và Si.
Chúng ta khó tìm thấy bất cứ sự xấu ác hay tai họa nào do con người gây ra mà chúng không nằm ở một hay nhiều hơn trong các điều độc hại kể trên. Nhưng chính nhờ sự chinh phục, chế ngự lòng tham, sân và si, giúp chúng ta chứng đắc Niết Bàn, đó là “Sự thanh tịnh ở nội tâm, khi các dục vọng được kiểm soát và lòng tham đắm không còn.”
Những kết quả của con đường sống theo Phật Giáo (mang lại) gồm trong đời hiện tại và kiếp sau. Người chấp nhận giáo pháp (Dhamma) và bắt đầu đi theo con đường Ðạo của Ðức Phật, sẽ đạt được kết quả nhanh chóng. Nếu chúng ta không đắc quả Niết Bàn trong đời này, thì các kinh nghiệm và tiến bộ chúng ta đã làm được, không những chỉ giúp chúng ta thành tựu nhanh chóng hơn vào những kiếp sau, mà chúng sẽ còn tạo nên các thiện duyên giúp chúng ta đạt được quả vị (Niết Bàn) ấy.
Những kết quả tức thì của cuộc sống hạnh phúc hơn, sự mãn nguyện và an lạc nội tâm là phần thưởng vô giá cho những ai đi theo Ánh Sáng của Phật Giáo.
“Do lòng tham, sân si và sự chết ngự của những ác tính đó, con người đã gây tai hại cho chính mình, kẻ khác, cả hai phía, và dẫn đến khổ đau, phiền muộn tinh thần. Nhưng khi đoạn diệt hết tham, sân, si, con người không còn gây tai hại cho mình, kẻ khác, hoặc cho cả hai; và khổ đau phiền não tinh thần cũng không xảy ra” (Kinh Tăng Nhứt A Hàm 3).
“Ở đó, này A Nan, vị sa môn nghĩ thế này: Ðây là sự An Lạc, đây là điều Tối Thắng, đây là sự tận diệt vòng luân hồi đã gây nên nghiệp báo (Kamma); sự xả bỏ tất cả những nguồn gốc của Hữu (chấp có), sự đoạn trừ lòng ái dục, và chứng đắc quả vị giải thoát, Niết Bàn”. (Kinh Tăng Nhứt A Hàm)”.
“Sự tận diệt tánh tham, sự tận diệt tánh sân và sự tận diệt tánh si: như vậy đích thực gọi là Niết Bàn.” (Tạp A Hàm 38).
Kamma (Nghiệp) là danh từ Pali, có nghĩa là “hành động”. Trong Anh văn không có chữ nào thích hợp để diễn tả chính xác cái nghĩa này. Bởi vậy mà chúng tôi phải dùng từ ngữ Pali ở đây. Ðôi khi tiếng Phạn (Sankrit) người ta dịch là Karma, nhưng theo quan niệm của Ấn Ðộ Giáo, chữ Karma (Phạn) rất khác với Kamma (Pali) mà đức Phật đã dạy, nên tốt hơn tôi không dùng nó trong bài này.
Kamma (Nghiệp) được diễn tả như năng lực khác quan, quyết định cuộc sống chúng ta trong đời này, và tạo nên cảnh sống của chúng ta trong tương lai. Nghiệp là năng lực làm con người sống lại vào lúc chết và nối liền kiếp này (của họ) với đời sau. Nếu không có nghiệp thì cũng không có luân hồi. Không có gì nơi tâm hay thân (chúng ta) được tái sinh, mà chỉ có nghiệp lực (Kamma) này.
Như chúng tôi đã giải thích Phật Ðạo là một phương thức sống tốt đẹp hay nền đạo lý cao siêu. Nhờ thực hành theo giáo lý này, chúng ta không gây nên việc làm hay hành động xấu; và do đó, chúng ta không tạo ra ác nghiệp (bad Kamma). Nếu chúng ta sống cuộc đời không biết tự chế, chạy theo dục vọng, lòng tham, và những ham muốn của giác quan, chúng ta tạo nên nghiệp xấu. Cho nên, Nghiệp (Kamma) xấu hay tốt đều do nơi hành động thân, khẩu, ý của chúng ta. Cả hai nghiệp thiện hoặc ác đều tạo nên sự luân hồi; những tư tưởng lành đương nhiên dẫn đến cuộc sống an vui, trong khi ý niệm ác sẽ mang lại hoàn cảnh xấu mà không cá nhân sáng suốt nào muốn tìm gặp.
Trạng thái Niết Bàn (Nibbana) không phải là kết quả của riêng nghiệp lành hay dữ mà chỉ là sự đoạn diệt hết tất cả những nghiệp lực. Một người chứng đắc Niết Bàn, sẽ không còn luân hồi, được gọi là A La Hán (Arahant).
Kết quả của các nghiệp xấu hay tốt có thể chứng nghiệm trong đời này, kiếp sau hoặc đời sau nữa.
Những sự mâu thuẫn trong cuộc đời, và các cảnh sống bất bình đẳng mà nơi đó con người sinh ra đã tạo nên nguyên nhân chính đáng dẫn đến điều vô cùng suy nghĩ (cho chúng ta). Tại sao có người sinh ra giàu có, trong khi kẻ khác lại nghèo? Tại sao người này thành công và kẻ kia thất bại? Có người thông minh, kẻ lại ngu dốt, người bẩm sinh rất quyến rũ và xinh đẹp, trong lúc kẻ khác lại xấu xí. Tại sao người này sinh ra tàn tật, hoặc sống ốm đau; kẻ nọ kém địa vị, lại mạnh khỏe? Tại sao đứa trẻ vừa mới sinh lại chết liền, trong khi người khác sống đến già? Người lương thiện thường gặp sự không may, kẻ làm ác lại gặp điều hạnh phúc.
Triết học Tây Phương không cách nào giải đáp thỏa mãn được những câu hỏi trên, mà chúng chỉ có thể giải thích bởi thuyết Nghiệp Báo (Kamma). Chúng tôi đã nhấn mạnh về bản chất khoa học của Phật Giáo, nhưng trong trường hợp về thuyết nghiệp báo và luân hồi, chúng ta gặp phải hoàn cảnh tương tợ như nhà khoa học, khi ông ta được yêu cầu chứng minh về các lý thuyết nguyên tử, trọng lực, tiến hoá, hay điện học. Họ bảo rằng “chứng cứ”, như một danh từ chúng ta thường hiểu, không thể nào viện dẫn được. Nhiều kiến thức khoa học đã được người ta chấp nhận, bởi vì không thể có sự giải thích nào khác về các hiện tượng đó. Hầu hết các khoa học gia đang biết cách áp dụng cũng như dùng vật chất và sự phóng xạ mà không cần phải đặt nó vào trong ống thí nghiệm. Sự hiểu biết về nghiệp và luân hồi là kết quả hợp lý của sự quan sát về hiện tượng thiên nhiên.
Trong quá khứ đã có nhiều cố gắng để giải thích về tánh nết của con người là do bởi tính di truyền và hoàn cảnh xung quanh, nhưng sự giải đáp này vẫn chưa trả lời được hết các vấn đề căn bản. Chỉ với ánh sáng của thuyết nghiệp báo, điều bí ẩn mới được giải quyết, và chúng ta có thể thấy rằng đời sống của con người là kết quả các hành động tốt hay xấu của chính họ. Kiến thức giác ngộ này là hết sức quan trọng đối với nhân loại, vì nếu quá khứ có thể quyết định hiện tại; chúng ta hiểu rằng hành động của chúng ta hôm nay sẽ định đoạt tương lai của chúng ta.
Khoa học đã có những bước tiến nhảy vọt, và chứng tỏ rằng mọi vật không thể mang hết lên dĩa cân hay bỏ vào ống nghiệm. Nhiều vấn đề vô cùng bí ẩn, và hiển nhiên là chưa có lời giải đáp. Sự kiện này đặc biệt cũng đúng trong lãnh vực tâm lý học và bệnh học tâm thần.
Trở lại vấn đề luân hồi, con người có khuynh hướng tái sinh vào trình độ thấp kém hơn là cảnh giới cao đẹp. Phần đông nhân loại cũng vậy, sẵn sàng hành động theo những bản năng và ham muốn thấp hèn, các dục vọng xấu xa, và tham đắm vào mọi vật cùng ý niệm, cho nên họ đã tạo ra tương lai của họ ở trình độ thấp kém hơn. Hầu hết những bản năng và dục vọng tự nhiên (của con người) tạo ra nghiệp xấu; trừ khi chúng ta phát triển trí tuệ, tự đặt mình theo một đức Thầy chân chính, chúng ta mới chắc có được tiến bộ. Chỉ mang nhãn hiệu “Phật Tử” không thì vô ích, nếu chúng ta không biết kiểm soát tâm của mình và hành trì đạo đức.
Mọi việc xảy đến với chúng ta không phải đều do kết quả của nghiệp nhân quá khứ. Mà sự thật trong cuộc sống, chúng ta đã gặp phải khổ đau phát xuất từ các nguyên nhân tự nhiên, cũng như bởi kết quả những việc làm của chúng ta. Tuy nhiên, dù nghiệp lực có thể quyết định mọi hoàn cảnh sống, nhưng nó không thể khiến chúng ta hành động tội ác, nếu chúng ta không muốn làm điều đó.
Trong cuộc sống, chúng ta không phải là những con tốt trên bàn cờ, mà phải là người tạo nên ván cờ. Dĩ nhiên chúng ta không thể phá hủy (nghiệp) quá khứ của chúng ta, nhưng với kiến thức căn bản sắp đặt này của chúng ta, chúng ta có thể tự tạo cho mình một tương lai hạnh phúc.
Do sự sai quấy và lỗi lầm quá khứ, chúng ta đã tạo nên (cuộc sống) hiện tại của chúng ta, nhưng con người hoàn toàn là kẻ sáng tạo tương lai của chính mình, và với sự hướng dẫn chân chính, chúng ta có thể dám chắc rằng nó sẽ là một cuộc sống an vui.
Con người không thể trốn thoát nghiệp nhân quá khứ. Theo đức Phật, nó quyết định cuộc sống hiện tại. Trong những điều kiện này, gồm cả tính tình của chúng ta, mà ngay giữa anh em, cũng thường khác biệt nhau. Nếu không sửa đổi được nghiệp nhân đời trước, ít ra chúng ta có thể gặt hái được (kết quả) nhờ kinh nghiệp và hành động cẩn trọng hơn trong tương lai.
Ngày nay, luật nhân quả đã được chấp nhận không chối cãi được, ngay cả nó được giảng dạy trong các trường học, mà chúng tôi không cần chứng minh ở đây. Một cách đại cương, chúng ta nhận thấy rằng không có vật gì sinh ra mà không có nguyên nhân, và chúng ta cũng nhận biết chuỗi nhân quả vượt ngoài trí thức của con người. Nó có thể áp dụng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngày nay, không ai phủ nhận được nguyên lý đơn giản này, tương đối mới lạ với tư tưởng Tây Phương, mặc dù người Phật Tử đã biết nó hàng nghìn năm trước.
Ðức Phật đã trình bày luật nhân quả trong kết luận hợp lý, và áp dụng nó vào đời sống của chúng ta. Do (hành động) vô minh trong quá khứ, chúng ta đã trở thành chủ nhân ông của sự luân hồi để lại gây ra nghiệp (Kamma). Với nghiệp này và sự tái sinh mới đã tạo nên cái tâm và thân (gồm cả ý thức). Rồi chúng tạo thành các giác quan và cảm giác, nhờ đó chúng ta nhận biết. Những cảm giác của chúng ta biểu hiện như là các dục vọng và lòng tham đắm (thủ) của chúng ta vào mọi vật và ý niệm.
Chúng quyết định hành động của chúng ta, và do đó, gây nên nghiệp (Kamma) để rồi tạo ra luân hồi. Luân hồi cung cấp nhân duyên để tạo thành những tâm và thân (danh sắc), giác quan, lòng tham ái và nghiệp lực khác, để lại dẫn đến luân hồi. Như thế, chuỗi nhân quả cứ tiếp tục. Nó có thể mãi mãi tiếp diễn, trừ khi chúng ta tìm được phương pháp chặt đứt chuỗi xích này và đoạn diệt nó.
Nơi nào chuỗi xích cần phá hủy? Tại những móc nối mà chúng được xem như rắn chắc nhất; cũng là những nơi chính chúng ta có thể tách rời ra khỏi chuỗi xích. Chúng là những vòng xích của lòng tham và ái dục. Dứt trừ hết các điều này, các bạn đoạn diệt được vòng luân hồi, sự khổ đau, phiền não và tuyệt vọng.
Những Dấu Hiệu Của Ðời Sống đôi khi được biết như Tam Pháp Ấn, là những định luật bất biến chi phối tất cả mọi chúng sanh. Ba Pháp Ấn hay định luật này là Anicca, Dukkha, và Annatta. Chúng có nghĩa là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã (không có Ta hay Linh Hồn). Mọi chúng sanh, không trừ ai, đều bị ba pháp ấn này chi phối. Chúng tạo thành các định luật tự nhiên của thế giới vật chất và rất khoa học trong mọi lãnh vực.
Anicca, hay thuyết vô thường, vượt quá phạm vi của những chúng sanh, và được ứng dụng vào mọi vật trong vũ trụ. Không vật gì có hình dáng mà có thể tồn tại lâu dài. Sớm hay muộn, nó sẽ bị hư mòn, nứt rạn, hủy diệt hay tan rã, tạo thành vật chất; để từ đó một hình thức mới được sinh ra. Ðịnh luật này hoạt động không có giới hạn, từ hạt bụi nhỏ nhặt đến hành tinh vĩ đại nhất trong vũ trụ.
Mọi vật ở trong tình trạng luôn luôn thay đổi liên tục, sinh ra rồi mất đi. Không có vật gì duy trì được trong giây lát, cho nên không vật thể nào có thể tồn tại thường còn. Chỉ qua con mắt của chân tâm (mind’s eye), chúng ta mới thấy tưởng vạn vật như yên tĩnh và không thay đổi. Còn tất cả hiện tượng và định luật thiên nhiên đều là kết quả của dòng sinh diệt và biến đổi này.
Dukkha, hay khổ đau đã được giải thích ở phần Tứ Diệu Ðế. Tuy nhiên, nó sẽ hữu ích để suy xét tại sao tất cả mọi người luôn luôn không thấy rõ sự khổ. Con người như chúng ta biết dù họ đã trải qua “cảnh sống địa ngục” trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời thường làm chúng ta kinh ngạc, khi chúng ta nghe họ bảo rằng đời sống (kiếp người) xét cho cùng, là không quá khổ đau.
Ðể tìm hiểu thái độ kỳ lạ này, và cũng rất phi lý là những kẻ đau khổ nhất thường là hạng người ít mong tìm cách thoát khỏi sự khổ, chúng ta cần phải xét đến khía cạnh lừa dối ở nội tâm (con người).
Có vấn đề máy móc đáng chú ý ở nơi tâm niệm khiến chúng ta quên hết mọi điều và những kinh nghiệm khổ đau. Chúng ta hãy lấy bất cứ ví dụ cá nhân nào vào lúc đau khổ hay phiền muộn nhất và rồi so sánh chúng ở giai đoạn khác sau đó.
Ông A vừa cãi nhau với người bạn gái của ông ta. Trước mặt mọi người, ông tỏ ra như không chịu đựng nổi sự buồn khổ. Khi các bạn bảo hy vọng ông sẽ sớm tìm lại nguồi vui, ông trả lời rằng ông muốn chết. Riêng ông nhận thấy vào lúc buồn nản đó, ông sẽ không bao giờ, không bao giờ quên nỗi đau đớn ấy được.
Vài tuần sau, chúng tôi gặp lại ông A, nhưng ông không còn để lộ vẻ mặt buồn rầu và đau thương của mấy tuần trước nữa. Ông ta giờ đây đang vui cười, và bộ mặt sầu khổ đã biến mất. Vì ông đã có trong vòng tay ông một cô bạn gái mới.
Một ví dụ khác về bà B. Mắt bà đỏ với cặp mắt sưng lên, và giờ phút nào bà cũng trút ra lời kêu gào thảm thiết. Thân mẫu của bà B, theo luật vô thường, vừa mới qua đời. Bà B luôn luôn đau khổ, và bà không bao giờ thích điều đó. Bà nói với những người quen “Bạn có thể mai táng tôi luôn đi”, vì “Tôi không muốn sống mà không có mẹ”. May mắn là họ không nhận làm theo lời bà B yêu cầu, và bà vẫn tiếp tục sống để nguôi quên (nỗi buồn).
Sáu tháng sau, bà B đùa giỡn về đám tang và ngay đến “bà mẹ già quá cố” của mình.
Ồ! Ðây là trường hợp bất hạnh khác, vội vàng xảy ra trên đường phố. Ông C, người đã bị lôi cuốn theo cuộc sống, tự thấy mình đi làm trễ. Vì biết người chủ hãng dùng đồng hồ chính xác để kiểm soát sự đến và về của ông, nên ông đã gấp rút đi nhanh quá mức bình thường mong cố gắng bù lại thời gian đã mất. Trong lúc vội vã rủi ro vượt qua đường phố, ông đụng phải một người khác, cũng đã phải bon chen – vì sự sống, nhưng có phần lợi hơn là đang lái một chiếc xe nhỏ. Mặc dù tai nạn xảy ra chớp nhoáng, kết quả thật bi đát cho ông C, người đã chịu thiệt thòi tổng quát là, với một cánh tay gãy, một chân gãy, nhiều xương sườn bị dập nát, chưa kể đến các vết cắt, thương tích trên người, làm tăng thêm màu bi đát cho cảnh buồn thảm này.
Người tài xế chiếc xe nhận thấy rằng, sự lái xe nhanh của mình cũng là một khí giới giết người, và ông hứa nguyện sẽ không bao giờ lái ẩu như thế nữa. Ông ta nghĩ tưởng chắc rằng ông C sẽ chết, và chính ông là kẻ sát nhân, giết hại một người đã có gia đình đông con.
Những tháng sau, ông C ra khỏi bệnh viện và bình phục, với một phần tiền bạc của ông đã phải chi ra qua hãng bảo hiểm. Ông đang cười, bỡn cợt về những người dại khờ tưởng rằng ông sẽ chết, nhưng giờ đây họ đã quên điều đó, và ngay cả ông C cũng vậy. Sự khóc lóc, than van không còn nữa, và nụ cười đã nở trên môi ông.
Người lái xe cũng biểu lộ một thái độ khác với tâm trạng trong ngày xảy ra tai nạn. Giờ đây, ông đang vui cười và ăn uống với những bạn bè (lái xe) của ông, và thuật lại cho họ nghe câu chuyện “người khách bộ hành đã đi xa”.
Giờ này buồn thảm, phút sau lại cười. Ðiều gì đã xảy ra cho những người đó? Tại sao thảm họa ngày hôm nay có thể trở thành trò vui đùa cho ngày mai? Câu trả lời dĩ nhiên là do sự biến đổi huyền diệu nơi tâm niệm (con người) đã khiến chúng ta quên hết mọi điều. Nếu tâm chúng ta không có khả năng làm như vậy, chúng ta sẽ đánh mất sự sống và lý trí, vì tâm con người không thể chịu đựng sự khổ đau như thế, suốt tuần này đến tuần kia, và tháng này qua tháng nọ. Cho nên, khả năng này của tâm thức, nhằm bảo vệ sức khỏe và sự lành mạnh của chúng ta, đã đánh lừa khiến chúng ta nghĩ tưởng rằng cuộc đời là hạnh phúc hơn thực tế (khổ đau) của nó. Vào lúc tột cùng của đau khổ, con người hoàn toàn nhận thức được sự phù du và vô nghĩa của cuộc sống; nhưng khi nỗi buồn khổ qua đi, và đã hoàn toàn quên hết, lúc ấy, cuộc đời với mọi dối trá của nó, lại phơi bày một hình ảnh khác hẳn.
Thiền định giúp tâm của ta giác ngộ được sự chân thực của đời sống và diệt trừ hết những điều giả dối này.
Sự khổ, trong cuộc sống, xuất phát từ ba nguyên nhân chính:
Phần lớn nỗi đau chúng ta biết đến, xảy ra do hành động dã man giữa con người với con người. Nó có thể tự bày tỏ như những trò cười của một tên hề, đã núp dưới cái mặt nạ của sự diễu cợt đứng đắn và lương thiện, để gây nên bao khổ đau cho đời sống các bạn bè và gia đình của anh ta. Hoặc chúng ta tìm thấy sự đau khổ đó trong cá nhân gắt gỏng muốn chia xẻ nỗi bất hạnh của y với những kẻ khác. Cực điểm của những khổ đau này là sự xung đột giữa con người với con người mà họ thảy đều chưa bao giờ quen hay gặp nhau, để gieo rắc sự chết chóc và hủy diệt trên quy mô rộng lớn khắp toàn thế giới. Ðó là bản chất của vạn vật.
Cuộc chiến tranh này của con người đã tiếp diễn hàng nghìn năm qua, và cuộc chiến đó xảy ra ngay cả trong thế giới loài vật. Việc giải quyết không nằm trong sự cải tạo thế giới nói chung, nhưng mà cải đổi chính nơi chúng ta. Phật Giáo (Dhamma) sẽ đặt chúng ta trong sự tương quan tốt đẹp hơn với mọi vật mà chúng đang hiện hữu và sẽ hướng dẫn chúng ta (tu tập) theo con đường đạo ấy cho đến khi sự khổ đau được chấm dứt. Ðức Phật đã chỉ bày cho chúng ta con đường đó, và mặc dù chúng ta nên giúp những kẻ khác tìm ra con đường đạo, chúng ta không thể tạo ra hoặc cung cấp sự giải thoát cho họ. Trong ý nghĩa này, Phật Giáo là một tôn giáo và triết lý đầy tự lực, bởi vì mọi người phải tự đi theo con đường ấy, và tự mình chứng đắc Niết Bàn (Nibbana).
Anatta, hay vô ngã được áp dụng cho mọi vật hiện hữu, nhưng ở đây chúng tôi đề cập chính yếu liên quan đến các chúng sanh. Mọi sinh vật sống không có linh hồn hay tự ngã; không có tự ngã hay bản ngã (personality) tồn tại và thường còn. Linh hồn hay tự ngã là quan niệm triết lý về phần vô hình của con người, mà nó có thể tạo nên sự sống cùng gây ra sự chết và hủy diệt của thân xác.
Khoa học ngày nay không ủng hộ truyền thuyết tin tưởng này, nhưng thừa nhận sự tồn tại của một tự ngã hay bản ngã nơi con người như một khía cạnh của tâm thức. Thật là điều kỳ diệu khi thấy tư tưởng khoa học ngày nay đang tiến sát gần với Phật Giáo. Người chưa giác ngộ thường hiểu lầm tự ngã hay bản ngã như là linh hồn hay linh tính. Cá tính này không có quan hệ gì với thuyết linh hồn, vì khi chúng ta có thể thừa nhận đặc tính không chắc chắn và hay thay đổi của bản ngã, một linh hồn hay linh tính thường còn thực chất không thể nào tồn tại được.
Người Tây Phương thường gặp nhiều bất lợi khi bắt đầu nghiên cứu về thuyết vô ngã của đức Phật. Bởi ngày từ nhỏ, họ đã được xây dựng và giáo huấn chấp nhận lý thuyết linh hồn và một vài người biết rằng không dễ gì phủ nhận. Nhưng ai cảm thấy sự khó khăn đó hay bất cứ vấn đề gì khác của Phật Pháp (Dhamma), không nên lo ngại vì mọi vật sẽ tự chứng tỏ cho thấy là chúng đang diễn tiến.
Trong khi linh hồn được xem như một bản thể biệt lập, chúng ta biết rõ Phật Giáo thuyết minh rằng tự ngã hay bản ngã không thể nào hiện hữu tách rời khỏi sự hoạt động của tâm và thân (con người). Thật ra, chỉ có sự hoạt động của tâm chứ không phải là thực thể. Tự ngã này có thể đóng vai chủ yếu trong việc tạo ra nghiệp lực (tốt hoặc xấu), nhưng nó không thể tránh khỏi sự chết, và lại tái sinh trở lại.
Ðiều quan trọng nhất là nó tạo ra nhận thức sai lầm về cái “Ta”, “tôi” và “của Tôi”. Trong sự tương quan giữa chúng ta và những kẻ khác, tự ngã này là một trong những động lực chủ yếu nhất.
Tâm lý học hiện đại, trong những năm qua, đã thực hiện được nhiều khám phá kỳ diệu, nhưng Phật Giáo đã biết các điều ấy từ ngàn xưa.
Bác sĩ Graham Howe, một trong những nhà chữa bệnh tâm thần hàng đầu tại Anh quốc, và là chuyên gia chữa trị ở phố Harley, đã phát biểu:
“Ðọc một ít giáo lý của đức Phật, chúng ta nhận thấy rằng, (hơn) 2.500 năm trước, người Phật tử đã hiểu biết rộng xa hơn về các vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ nghiên cứu các vấn đề này từ trước và cũng đã tìm thấy những câu giải đáp. Hiện nay chúng ta đang khám phá lại Trí Tuệ Cổ Thời của Ðông Phương”.
Ðức Phật là đấng đầu tiên đã trình bày kiến thức về sự diễn tiến của tâm thức. Ðiều quan trọng chúng ta nên nhớ là tâm làm chủ thân và khẩu nghiệp, cho nên bản chất của tâm quyết định điều chúng ta nói và làm.
Sự diễn tiến của tâm, một đặc tính lâu bền trong cuộc sống chúng ta thường được diễn đạt như một linh hồn hay thần thức. Ngày nay, chúng ta biết rằng ảo ảnh linh hồn (soul illusion) phát sinh ra từ những kinh nghiệm nằm mộng của con người đầu tiên (nguyên thỉ). Trong giấc ngủ con người thời cổ nhìn thấy, qua con mắt của tâm thức, những bạn bè và bà con đã qua đời, họ tin rằng những người đó đang còn sống như ma quỷ ở một thế giới của ma quỷ.
Tuy rằng sự tin tưởng này rất là cổ lỗ, và mặc dù khoa học đã loại bỏ nó, chúng ta thấy (ngày nay) nhiều người đang còn bám chặt tin vào linh hồn hay tự ngã một cách rất cuồng tin hơn các tiền nhân sơ khai của họ.
Phật Giáo và khoa học hiện đại cả hai đều dạy chung một nguyên tắc là con người bao gồm có tinh thần và thể xác, không có gì khác. Hai phần này đều tương quan với nhau, và tinh thần không thể tồn tại được, nếu cái thân đã chết. Cả hai là một khối duy nhất, mà chúng ta gọi là con người, và sớm muộn gì nó cũng sẽ tuân theo luật vô thường (hủy hoại).
Vì đức Phật dạy các đệ tử của Ngài rằng họ đã tạo nên hoặc phá hủy chính hạnh phúc của họ, cho nên chúng ta cần phải nương vào sự tinh tấn của mình, và không thể mong tìm sự giải thoát nơi đấng siêu nhân hay thần linh (Thượng Ðế). Hiện tại, con người cần nương tựa nơi chính mình; vì mong tìm sự cứu giúp và ân huệ bằng hành động cầu nguyện là nhu nhược. Thay vì cầu xin, đức Phật dạy chúng ta nên thiền định và phát triển tâm linh ngõ hầu chúng ta có thể đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống và khắc phục chúng.
Không có sự đau khổ cũng như hạnh phúc nào là vĩnh cửu. Chỉ cần có chút ít kiên nhẫn và chịu đựng chờ đợi mọi việc đổi thay. Nhận thức này giúp ích lớn lao cho người Phật Tử, vì họ không đánh mất (xa lìa) thực tại trong những lúc hạnh phúc, cũng như không tuyệt vọng khi gặp phải điều bất hạnh. Người Phật Tử hiểu rằng cuộc sống được điều hành bởi những định luật quân bình tự nhiên; và sự cầu nguyện chỉ có thể bày tỏ ước muốn rằng những luật lệ này sẽ thay đổi cho lợi ích cuả cá nhân mình; hoặc chúng ta mong cầu những gì chúng ta không tạo được hay chưa có. Nếu luật tự nhiên có thể đánh đổ bằng sự cầu nguyện, chúng ta sẽ thu nhận được mọi điều bằng cách làm hại đến những kẻ khác.
Ðức Phật không giữ im lặng trước vấn đề các thần linh có quyền năng tạo tác hay điều khiển vận mạng con người, Ngài không những chỉ giải thích bản thể chân thật của sự vật mà còn chê cười cái ý tưởng về đấng Thượng Ðế toàn năng. Ðức Phật còn tiến xa hơn và trình bày cho chúng ta thấy rằng những đức tin mê tín đó thật là tai hại, nếu con người nương tựa vào thân linh để chỉ thực hiện những điều mà chính họ có thể làm.
Chúng ta không bị bắt buộc phải chấp nhận tin rằng vũ trụ được tạo nên từ hư không hay thần linh thực hiện được cả điều không thể có. Vật chất, chúng ta biết ngày nay, không thể hủy diệt và không thể sinh ra từ cái không có. Trải qua bao thế kỷ, con người đã nghiên cứu về sự bắt đầu và chấm dứt của cuộc sống và vũ trụ; mặc dù đó là những vấn đề vượt ngoài ý niệm của tâm thức con người. Ðức Phật đã khuyên chúng ta đừng tham dự vào công việc khảo cứu vô ích này, bởi vì chúng thuộc những vấn đề mà chúng ta không thể tìm thấy câu giải đáp; và chúng không giúp ích gì cho cuộc sống đạo đức, và sự đạt tới cảnh giới Niết Bàn (Nibbana) của chúng ta.
Trong thực tế, đối với các tôn giáo lớn trên thế giới, những tín đồ đòi hỏi cần phải có “đức tin”, vì nhiều giáo lý và học thuyết không phù hợp với lý trí. Phật Giáo (Dhamma) hoàn toàn trái ngược trong vấn đề này. Ðức Phật dạy niềm tin cần xây dựng trên sự hiểu biết và lý trí. Hành động tin theo mù quáng không lợi ích cho cá nhân, vì nó không đòi hỏi sự hiểu biết sâu xa là điều đã giúp cho đức tin có giá trị hay phục vụ như người hướng dẫn chân chính trên đường Ðạo. Quan niệm rộng rãi này thực là một trong những lý do giải thích tại sao hiện nay chúng ta thấy ở Tây Phương đã có nhiều người sẵn sàng trở lại theo Phật Giáo.
Không có những giáo điều, tính điều, tính ngưỡng hay đức tin (mù quáng) trong Phật Giáo. Không một tín đồ nào được yêu cầu phải chấp nhận tin bất cứ điều gì cho đến khi họ sẵn sàng hành động như thế, và cũng không có sự (bắt buộc) thừa nhận một tín ngưỡng hay tín điều nào.
Ðức Phật, trong nhiều trường hợp, đã nhấn mạnh đến việc người ta cần phải nhận xét và tìm hiểu cẩn thận trước khi chấp nhận (tin theo điều gì). Cho nên, trong Phật Giáo không thấy có nơi nào ghi chép đạo Phật đã cưỡng ép người ta phải cải đạo trước họng súng hay dưới sự đe dọa của khủng bố. Mọi người chỉ có thể trở thành đệ tử chân thành của đấng Giác Ngộ, khi họ nhận thức được sự cao siêu của giáo lý đức Phật như là một phương pháp sống, vượt hơn các tôn giáo khác. Ngài không bao giờ khuyến khích một niềm tin cuồng nhiệt hay nặng tình cảm đối với Phật Pháp (Dhamma). Nếu thấy ai sẵn sàng tin tưởng như vậy, đức Phật khuyên họ nên dành nhiều thì giờ hơn để xem xét kỹ lưỡng vấn đề.
Trong lịch sử Phật Giáo có ghi lại một câu chuyện đáng chú ý sau đây. Kinh sách chép rằng, vào thời đức Phật còn tại thế, có một Ðại Tướng của bộ tộc Ly Xa[11], tên Siha[12], là tín đồ theo đạo Kỳ Na[13]. Ðây là đạo giáo xuất hiện cùng thời với Phật Giáo. Siha thảo luận với vị giáo chủ Natàputta[14] của mình về ý định ông muốn viếng thăm đức Phật. Nataputta không thích ý kiến đó, và cố gắng ngăn cản việc đến thăm đức Phật của Siha. Ông ta không muốn để mất một vị bảo trợ giàu sang và có thế lực như Siha, và cũng mong rằng không có dịp nào cho Siha thực hiện điều ấy. Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên của Nataputta, đại tướng Siha đã quyết định tự mình sẽ đi gặp đức Phật để tìm hiểu giáo lý mà Ngài đang thuyết giảng.
Hôm sau, Siha gặp đức Thế Tôn và thỉnh vấn Ngài. Khám phá đầu tiên mà ông ta (Siha) biết được là những tín đồ đạo Kỳ Na (Jains) đã trình bày cho ông ta hiểu một cách sai lạc về giáo pháp của đức Phật, và ngay sau khi Siha nghe được giáo lý chân chính, ông ta thấy rằng ông đã khám phá ra triết lý mà ông đang đi tìm. Khi nghe đức Phật trình bày những điều căn bản của cuộc sống siêu việt hơn, Siha hiểu rằng đây chính là bậc Thầy trong các đấng Tôn Sư.
Siha nhận thức rõ điều ấy, nên đã thỉnh cầu Ngài chấp nhận cho ông ta làm đệ tử tại gia, quy y theo đức Phật và Giáo Pháp, trong khoảng đời còn lại của ông. Câu trả lời của đức Thế Tôn khiến cho Siha vô cùng ngạc nhiên, khi Ngài cố gắng chối từ sự quy y của ông, sau một cuộc thảo luận quá ngắn ngủi. Ðức Phật nêu lên địa vị và trách nhiệm của Siha trong cộng đồng; và trường hợp của một nhân vật quan trọng và danh tiếng, Ngài đã khuyên ông nên suy nghĩ kỹ trước khi theo một tôn giáo mới.
Dù vậy, điều ấy chỉ làm tăng thêm niềm tin của Siha nơi đức Phật. Ông hiểu rằng, trường hợp này mà đổi ngược lại,nếu Siha tử bỏ đức Phật để theo đạo Kỳ Na (Jains), họ không những chỉ chấp nhận liền cho ông ta không chút do dự; mà họ còn tuyên bố rộng khắp về hành động cải giáo của ông nữa. Ðức Phật, sau ba lần lặp lại lời khuyên trên, nhưng Siha đã kiên cố giữ vững ý định của mình.
Tuy vậy, sự việc không ngừng ở đây. Ðức Phật còn dạy rằng, Siha và gia đình của ông từ lâu là những người đã hỗ trợ cho đạo Kỳ Na (Jains), và cho dù nay ông không thích theo triết lý của tôn giáo đó, ông vẫn nên tiếp tục cúng dường cho các tu sĩ đạo Kỳ Na.
Ðây, một lần nữa, Siha biết rằng lời giáo huấn này, ông chưa bao giờ được nghe nói đến nơi đạo giáo mà ông mới vừa từ bỏ, và niềm tin của ông nơi đức Phật lại càng tăng trưởng hơn nữa.
Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ giáo thêm cho Siha, dạy về giới luật và mục đích của nó; những phiền não gây ra do thú vui của các giác quan, cùng sự lợi ích của hành động chế ngự được chúng. Rồi Ngài dạy cho Siha bản chất của sự khổ, nguồn gốc, sự diệt trừ và con đường (dẫn đến chấm dứt sự khổ). Bằng cách ấy, đại tướng Siha đã trở thành một trong những tín đồ của đấng Giác Ngộ.
Trong vấn đề trên, chúng tôi thấy nên trích dẫn thêm lời dạy của đức Phật cho dân chúng Kamalas[15] ở xứ Kesaputta[16], khi những người này bảo rằng tất cả vị đạo sư nào cũng khen ngợi, tán dương ý tưởng của mình, và nói rằng duy nhất chỉ có giáo lý của các ngài mới là chân chính. Ðiều này khiến người dân Kalamas lầm lẫn và họ không biết làm cách nào để phân biệt được ai đúng ai sai.
Sau khi giải thích rằng họ có quyền nghi ngờ nếu thực sự họ chưa hiểu rõ, đức Phật dạy:
“Ðừng nên chấp nhận điều gì do người khác nói lại, những tin đồn, hay truyền dạy bởi tập quán. Chớ vội tin điều gì vì nó được tụng đọc ở kinh sách, hay bởi luận lý và suy diễn như vậy; cũng đừng tin vào điều mà mình đã sẵn có định kiến, hay do vị thầy mình kính trọng nói ra. Chỉ khi nào các con tự biết rằng những lời dạy này là thiện, chúng được chấp nhận bởi các bậc thiện tri thức; và khi thực hành những điều ấy không dẫn đến sự thiệt hại hay khổ đau, thì các con nên làm theo”.
Sự quy ngưỡng và tôn kính đối với đức Phật là một biểu tượng tán dương tính cách vĩ đại của Ngài, và sự an lạc mà chúng ta đã tìm thấy nơi giáo pháp của đấng Giác Ngộ. Ðức Phật luôn luôn là tấm gương sáng trong ý tưởng và hành động của một phương thức và cách sống để chúng ta noi theo. Cho nên sự tôn kính này đã được người ta hết lòng diễn đạt qua các môn nghệ thuật, cùng điêu khắc tinh xảo và thẩm mỹ nhất mà thế giới đã từng chứng kiến.
Các pho tượng Phật chúng ta thấy, là tượng trưng cho những đức tính và chúng không giống như là các “tấm hình”. Khoảng hàng trăm năm sau ngày đức Thế Tôn diệt độ, những pho tượng này mới bắt đầu xuất hiện. Vào giai đoạn rất xưa của nghệ thuật điêu khắc và hội họa, đức Phật được diễn tả qua hình ảnh của bánh xe Pháp hay dấu chân, và trong vài trường hợp, người ta dùng một khoảng trống hơn là bức hoạ, để nói lên sự hiện diện của đức Thế Tôn. Các tượng Phật đầu tiên do những người Hy Lạp theo Phật giáo làm ra tại xứ Gandhara[17] miền tây bắc Ấn Ðộ. Những thợ thủ công Hy Lạp đã tạo nên các tượng Phật giống như tượng thần mặt trời Apollo[18]. Những công trình điêu khắc này, và hàng triệu tượng Phật khác sau đó, đã trình bày một biểu tượng cụ thể về đức Phật đới với mọi người.
Ðức Thế Tôn đã không dạy những giáo lý bí truyền hay kỳ lạ, Ngài không thuyết giảng điều này cho quần chúng và giữ lại vài điều khác bí mật dành cho một số đệ tử chọn lọc. Giáo pháp nào đức Phật nhận thấy cần cho sự giải thoát của con người, Ngài đã hết lòng truyền dạy cho tất cả.
Tuy vậy, tưởng nên biết rằng, mặc dù không có sự phân biệt giữa giáo lý thần bí và phổ biến, nhưng vẫn có sự sai khác đáng kể về trình độ hiểu biết giữa hàng triệu tín đồ của Ngài. Sự thấu triệt hoàn toàn giáo pháp (Dhamma) đòi hỏi có cái nhìn sâu xa hơn sự nhận thức mà nhiều người đang có.
Tại Á Châu ngày nay, có vô số triệu người đã xem đức Phật như một pháp bảo để kính thờ. Hơn nữa, vì Phật Giáp là một phương pháp sống bao gồm tất cả, cho nên người nông dân bình dị, với những ý kiến đơn giản của y cũng thích hợp để trở thành đệ tử (của đức Phật) như một nhà sư hay học giả. Hạng người bình dân của các chủng tộc, đòi hỏi những giáo lý dễ hiểu của một hình tượng, hay khóa lễ. Thiếu những hình thức của sự sùng bái cụ thể này, họ rất ít hiểu được (Phật Pháp).
Theo lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta biết rằng những ai trong đời này không sẵn sàng sống theo chánh kiến, kiếp sau họ cũng sẽ hành động như vậy. Ðiều quan trọng là nên hướng dẫn những người đó đi theo con đường của đạo đức chân chính ngõ hầu sự phát triển (tu học) của họ được tiến bộ hơn ở đời sau. Trong Phật Giáo (Buddha Sanana), chúng ta nên kính trọng trình độ hiểu biết của kẻ khác và quan điểm của những người khác biệt với chúng ta. Người Phật Tử giác ngộ là một đạo dẫn viên chứ không phải là người hay chỉ trích.
Chính đức Phật đã dành rất ít thì giờ cho việc cúng bái và nghi lễ, vì phương pháp sống của Ngài là một đường lối thực tiễn của việc làm và hành động. Trong ý nghĩa cao hơn, quy tắc và lễ nghi đã trở thành những ràng buộc làm cản trở cho sự tiến bộ. Ðức Phật dạy chúng ta rằng, ai tôn kính Ngài nhiều nhất, là người thực hành giáo pháp của Ngài tinh tấn nhất.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng người tu theo đức Phật họ không cần phải từ bỏ nhà cửa, gia đình và sống cuộc đời ẩn dật. Ngày nay, có nhiều Phật Tử giàu đạo tâm, là những thiện nam tín nữ đã lập gia đình và có thể duy trì cuộc sống hằng ngày bình thường của họ. Những Phật Tử đó đã trở nên xuất sắc trong cộng đồng, nhờ vào đạo hạnh, và công đức tu hành của họ, cũng như do bởi công tác họ làm nhằm truyền bá Phật Giáo đến mọi kẻ khác.
Không phải tất cả ai cũng sẵn sàng muốn trở thành tu sĩ Phật Giáo; và thà làm một cư sĩ tại gia thuần thành còn hơn là một nhà sư thiếu tu trong đoàn thể Tăng Già (Sangha).